Lại thấy ông đồ gia
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Khoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay…”
Hình ảnh ông đồ với mực tàu, giấy đỏ viết những nét chữ như “Phượng múa rồng bay” đã đi vào tâm khảm của biết bao người con đất Việt, gợi nhắc lại một nét đẹp truyền thống của dân tộc ta: Nghệ thuật thư pháp.
Tôi vẫn nhớ như in những năm tháng mình còn là một đứa trẻ, được bà dẫn đi chợ Tết, ngồi ngắm các cụ già tóc bạc phơ nặn những con tò he nhiều màu sắc và chờ bà đi xin chữ của các ông đồ. Mỗi lúc như vậy, tôi thấy rằng những bức thư pháp bà xin về luôn được bà gói ghém rất cẩn thận, mang về đến nhà là bà lại giành riêng cho chúng một vị trị cực kì trang trọng. Có lẽ chính những kí ức tuổi thơ ấy đã làm nảy nở trong tôi tình yêu với những con chữ thư pháp đẹp. Không phải vì yêu mến nghệ thuật thư pháp mà tôi khuyên gia chủ nên có một bức thư pháp trong nhà mà thực tế, việc treo một bức thư pháp trong nhà có rất nhiều những lợi ích hết sức thiết thực.
Thứ nhất là về mặt phong thủy
Có rất nhiều người hỏi tôi về yếu tố phong thủy của một bức thư pháp. Bản thân tôi nhận thấy rằng, trong quá trình viết thư pháp cho các khách hàng, việc treo một bức thư pháp ở đâu, với nội dung gì cũng có tác dụng rất lớn.
Về phong thủy, theo quan niệm của người phương Đông, thư pháp mang một ý nghĩa rất to lớn đối với mệnh số của gia chủ, làm hưng vượng phong thủy trong nhà. Thầy đồ cho chữ bằng cách viết một hay nhiều con chữ lên một tờ giấy với nhiều kích thước, có nội dung mang tính chất ca tụng, giáo dục, nêu một phương châm, tục ngữ về cuộc sống, gia đình,… Những nét chữ đẹp như phượng múa rồng bay ấy kết tinh cả cái tâm và cái tài của người viết với nguyện ý cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho gia đình. Bức thư pháp còn cần treo ở trong một vị trí trang trọng, phương hướng phù hợp trong gia đình. Điều đặc biệt là không chỉ là chất liệu của bức thư pháp, mà còn đặc biệt ở thể chữ của người viết thư pháp. Thông thường mỗi bức thư pháp đi theo một thể chữ nhất định như thủy thể, mộc thể, điền thể, phong thể, hoặc biến thể. Điều này cho thấy sự ứng dụng đa dạng của mỗi thể chữ vào tính cách của người chơi.
Thứ hai là về mặt tri thức
Treo một bức thư pháp trong nhà còn thể hiện sự am hiểu nghệ thuật và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật gửi gắm biết bao tâm tư, tình cảm của mình vào các tác phẩm luôn kì vọng tìm được người bạn “tri âm” có thể hiểu được tâm tư mình, gửi gắm và trân trọng, nâng niu tác phẩm ấy. Ví như cai ngục và Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của tác giả Nguyễn Tuân. Họ tuy là hai con người ở hai địa vị khác nhau, tưởng như là kẻ thù mà trong cảnh ngục tù u tối lại có thể thấu hiểu nhau bởi tình yên với cái đẹp và sự trân trọng với nghệ thuật thư pháp. Chính bởi ngắm nhìn một bức thư pháp không chỉ cảm nhận được cái đẹp của những nét chữ như phượng múa rồng bay mà còn thấy hiểu được những tâm tư, tình cảm và những ẩn ý sâu xa của tác phẩm đòi hỏi người thưởng thức phải có một vốn hiểu biết nhất định về nghệ thuật thư pháp và sự yêu mến đối với nghệ thuật thư pháp.
Thứ ba là về mặt thẩm mỹ cho ngôi nhà
Treo một bức thư pháp trong nhà còn có công dụng trang trí kết hợp với những đồ vật khác như bình phong, sập gỗ tạo cho ngôi nhà vẻ đẹp dung dị, mộc mạc và truyền thống. Có gì tuyệt vời hơn một bức trang thủy mặc với đôi câu đối thể hiện được mong ước của người chơi chữ. Ngắm nhìn những bức thư pháp ấy mà tâm hồn thêm thanh tịnh, thư thái, đôi khi lại giúp cho những người khách đến chơi nhà có thể hiểu và cảm nhận thêm được một phần tính cách của gia chủ.
Thứ tư là về mặt tu thân, dưỡng tính
Mỗi một bức thư pháp khi được treo trong nhà đều được để ý và quan tâm một cách đặc biệt, việc treo một bức thư pháp với điều mình hằng hướng tới trong nhà sẽ luôn luôn giúp người gia chủ thấy và thâm nhẩm trong đầu mình phải tu thân, dưỡng tính để đạt được điều mà mình hằng tâm niệm. Ví như treo chữ “nhẫn” trong nhà ngày ngày nhìn vào đó tự dặn lòng phải biết “nhẫn” để tránh tai họa, thị phi. Hay treo chữ “Thành” thì trong vào đó để lấy động lực chăm chỉ học hành, làm việc hàng ngày để có được sự thành công. Một người luôn hiếu thảo, kính yêu cha mẹ có thể treo đôi câu đối “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”, kể cả việc tặng lại nó cho bố mẹ mình, cũng sẽ trở thành một kỉ niệm, một món quà hết sức có giá trị để làm nổi bật lên công lao sinh thành và dưỡng dục của mẹ cha. Do vậy việc treo một bức thư pháp mang nội dung sâu sắc trong nhà gia chủ có thể ngày ngày nhìn vào đó mà rèn luyện tâm hồn, trui rèn ý chí cho bản thân.
Thứ năm là về mặt y học, chữa bệnh
Việc treo một bức thư pháp trong nhà gần đây được nhiều người bàn luận thêm về một công dụng khá đặc biệt, đó là công dụng chữa bệnh. Nói về vấn đề này, việc treo một bức thư pháp không đơn thuần chỉ để trang trí, treo một bức thư pháp trong nhà còn có công dụng có thể giúp người bệnh cảm thấy đỡ hơn. Con người có hai loại bệnh, một là những căn bệnh thuộc về thể xác, hai là những căn bệnh thuộc về tâm hồn. Chữa bệnh bằng tranh thư pháp được hiểu là trong một số trường hợp có thể giúp người bệnh chữa được cái “tâm bệnh” của bản thân, làm dịu đi những đau thương uẩn ức trong cuộc sống. Tôi vẫn nhớ về một nhân vật mang tên Nhược Hy trong bộ phim “Bộ bộ kinh tâm” khi được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, do cô gái vì phải xa người mình yêu thương mà mắc “tâm bệnh”. Để làm dịu đi nỗi nhớ nhung khôn nguôi ấy, Nhược Hy ngày đêm luyện chữ, rèn cho mình thao tác thư pháp theo hai câu thơ mà người yêu thương đề tặng. Kết cục là tâm bệnh vốn đau thương chứa đầy ưu tư ở trong đã được xoa dịu bớt phần nào, tuy rằng không dễ nhưng nhiều khi gửi gắm tâm tư vào từng nét chữ như vậy lại là một phương pháp rất hữu ích giúp cho tâm hồn cảm thấy thanh thản hơn nhiều. Có lẽ chính bởi vậy mà thư pháp trong một số trường hợp còn có thể chữa được bệnh cho mỗi chúng ta.
Ngày nay, ta có thể thấy càng nhiều bạn trẻ quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật thư pháp và hình ảnh những cụ đồ râu tóc bạc phơ viết những nét chữ như phượng múa rồng bay giờ đây lại được điểm xuyết bằng hình ảnh những bạn trẻ áo the, khăn xếp bên mực tàu và giấy đỏ, cho chữ ngày đầu xuân. Đó thực sự là một hình ảnh đẹp khi giới trẻ ngày nay yêu mến và trân trọng một nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc. Lại nói về quá trình khổ luyện để cho ra đời một tác phẩm thư pháp không chỉ đẹp về hình thức mà còn phải mang ý nghĩa sâu sắc. Đó là sự kết hợp giữa một quá trình rèn luyện công phu, lâu dài, cùng với sự học hỏi không ngừng nghỉ để làm giàu vốn tri thức cho bản thân. Sự kiên trì và nhẫn nại đã tạo nên những tác phẩm thư pháp có giá trị, gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ.
Thư pháp là một nét đẹp văn hóa truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc. Mỗi gia chủ đều nên có một bức thư pháp treo trong nhà vì những lợi ích thiết thân về tinh thần nó mang lại. Hi vọng rằng mỗi độ tết đến xuân về, dưới cái không khí của tiết trời mùa xuân, chúng ta lại có thể được thấy hình ảnh của những người thầy đồ cho chữ và những con người trân trọng, mến yêu thư pháp lại một lần nữa xuất hiện trong tâm thức, làm nổi lên và phác vào tâm tưởng mỗi chúng ta cái giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc Việt theo năm tháng.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về việc treo thư pháp trong nhà thông qua bài viết "Treo gì? Ở đâu?"
Bạn có thể tìm hiểu thêm về việc treo thư pháp trong nhà thông qua bài viết "Treo gì? Ở đâu?"
Thư pháp Thanh Phong, tháng 3 năm 2017