CHỮ VIỆT VÀ CHỮ HÁN TỪ GÓC NHÌN THƯ PHÁP

CHỮ VIỆT VÀ CHỮ HÁN TỪ GÓC NHÌN THƯ PHÁP
Nếu coi HỌC là công việc suốt đời thì ai chẳng là TRÒ, nghĩa là, về tư cách, ai cũng vậy mà thôi. Tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, sang hèn… đâu có nghĩa gì trong mối quan hệ giữa chúng ta. Cái khác biêt giữa chúng ta là ở mục đich, phương pháp học và nỗ lực của bản thân. Những sự khác biệt ấy tạo nên sự chênh lệch về mức sống, về trình độ nhận thức, về nhân cách. Hãy đừng trách số phận, đừng trách ông trời. Nếu có trách, hãy tự trách mình!

Tiếng Việt và tiếng Hán đều thuộc loại đơn âm nên chữ Việt và Hán cũng có những tính tương đồng. Tương đồng ở chỗ, mỗi chữ, khi đọc chỉ phát ra một đơn âm. Tuy nhiên hai loại chữ này có những điểm rất khác biệt.

Chữ Việt (nay dùng làm quốc ngữ) là loại chữ “tượng âm”. Mỗi từ của nó được ghép bởi các chữ cái. Mỗi chữ cái biểu hiện một âm (nguyên âm hoặc phụ âm). Khi ghép nhiều chữ cái với nhau theo luật phát âm sẽ hình thành một từ. Để đọc một từ phải uốn khẩu hình và điều hơi lần lượt theo các chữ cái để phát ra một âm - tiếng nói. Bởi vậy, một âm phát ra khi đọc một từ thực chất là âm phát ra ở cuối quá trình biến đổi khẩu hình. Khi dạy người nước ngoài học phát âm từng chữ cái người ta thường dùng ký âm (trong âm nhạc) để người học dễ phát âm hơn. Những người nước ngoài khi nghe người Việt nói chuyện thường có cảm giác như người Việt đang hát.

Chữ Hán là loại chữ xuât xứ từ chữ “tượng hình”. Khởi đầu, mỗi một chữ biểu hiện một hình tượng. Xã hội ngày càng phát triển, bao gồm những mối quan hệ ngày càng phong phú, phức tạp, cách thể hiện chữ viết theo cách tượng hình khiến các nét chữ trở nên phức tạp với mật độ các nét ngày càng dày đặc, rất khó khăn và bất tiện trong sử dụng. Để tiếp tục phát triển, người ta sáng tạo ra những chữ tượng ý và kết hợp tượng ý với tượng hình. Tuy nhiên, những cách đó cũng không đáp ứng nhu cầu phát triển chữ viết. Cuối cùng, chữ viết theo qui ước là giải pháp tích cực. Việc phát triển chữ viết theo những cách như trên khiến các chữ trở nên phức tạp, khó đọc và việc ghi chép trở nên rất chậm. Để khắc phục nhược điểm đó, một mặt, người ta tạo ra những chữ thuần túy qui ước, mặt khác tìm cách giảm bớt nét trong một chữ (phồn thể) hình thành những chữ giản thể. Trong những trường hợp phải ghi chép thật nhanh, người ta đã lược đến mức tối giản các nét và chữ thảo ra đời. Đã có một thời kỳ người ta có ý tưởng La tinh hóa chữ viết nhưng đến nay chưa thành công.

Mặc dù bất lợi trong sử dụng, với góc nhìn thư pháp, chữ Hán có lợi thế hơn hẳn chữ Việt. Xuất xứ từ chữ tượng hình, các nét (kí tự) trong một chữ được sắp xếp (bô cục) hợp lý, chặt chẽ trong một khuôn hình vuông vức nhưng rất sinh động. Ví dụ, Chữ Vĩnh (永) gồm tám nét cơ bản có trong hình thể chữ Trung Hoa gồm chấm, ngang, sổ, mác, gập, phẩy, hất, móc với các hướng khác nhau. Nói cách khác, các yếu tố tạo hình trong một chữ rất phong phú, nằm trong một khuôn hình vuông vức, có dáng dấp của một bức tranh. Đó là lợi thế rất lớn, giúp người viết có thể tạo nên một bức tranh chữ đẹp, giàu cảm xúc.

Chữ Việt hiện dùng làm “quốc ngữ” không có xuất xứ từ chữ tượng hình. Mỗi từ của chữ Việt, khác với chữ Hán, bao gồm những chữ cái được sắp đặt nối tiếp nhau theo hàng ngang, từ trái sang phải theo luật xướng âm (phát âm) phù hợp với giọng nói của người Việt. Nó giống như một bản ký âm trong âm nhạc. Bản ký âm trong âm nhạc bao gồm các kí hiệu của âm thanh kết hợp với ký hiệu nhịp, phách, thăng, giáng, lặng… nhưng đơn giản hơn rất nhiều so với bản ký âm chữ Việt.

Những phân tich trên cho thấy, sự sắp đặt các ký tự (chữ cái) kéo dài theo phương ngang, đều đặn, mặc dù được điểm xuyết bởi các dấu giọng trong một chữ, vẫn khiến cho người xem có cảm giác đơn điệu. Rõ ràng, những yếu tố tạo hình trong chữ Việt ít hơn rất nhiều so với chữ Hán. Đó là một khó khăn rất lớn khi tạo dựng thư pháp chữ Việt.

Dụng cụ (bút) truyền thống viết chữ Việt và Hán rât khác nhau. Bút viết chữ Hán trong thư pháp thường là bút lông, cũng có thể là bút cứng. Ngòi bút lông là loại mềm, khi viết có biến dạng đàn hồi rất ít và biến dạng dư nhiều hơn. Bởi vậy, việc sử dụng bút lông khó khăn hơn rất nhiều so với bút cứng. Tuy nhiên, ưu điểm vượt trội của nó là có thể tạo ra những nét hết sức phong phú và sinh động mà bút cứng không thể có được. Trong trường hợp ghi chép thông thường, người ta thường dùng bút cứng. Trong thư pháp, người ta ưa dùng bút lông hơn, bởi lẽ, bút lông với khả năng của nó, kết hợp với ưu thế của chữ xuất xứ tượng hình, có thể tạo nên tác pháp thư pháp tuyệt vời.

Ngòi bút viết chữ Việt là loại cứng (bút chì, bút bi…) hoặc có biến dạng đàn hồi (bút sắt). Những loại bút này dễ sử dụng, thich hợp trong việc tạo ra những nét thanh nét đậm và sự nhịp nhàng của hình chữ. Chúng có thể làm cho hàng chữ trở nên nhịp nhàng uyển chuyển nhưng không bớt đi bao nhiêu sự đơn điệu. Trong thư pháp, người Việt thường chọn bút lông để viết. Việc chọn bút lông thay thế những loại bút truyền thống để viết thư pháp là một thử thách rất lớn. Nếu như người Trung Quốc viết thư pháp Hán khó một, thì người Việt khó mười, đặc biệt là đối với thư pháp chữ Việt. Khó khăn đó không chỉ do thay đổi thói quen dùng bút mà còn do sự nghèo nàn các yếu tố tạo hình trong chữ Việt.

Những nhìn nhận về chữ Hán và chữ Việt, kết hợp với những hiểu biết về thư pháp đã giúp tôi tránh được tâm lý chủ quan, tự mãn, nhận rõ con đường mình đi và biết mình cần phải làm gì để góp phần vào phát triển thư pháp Việt Nam một cách hiệu quả nhất.

Nguồn: Phạm Đức Nhuận
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Post a Comment

Previous Post Next Post