Triển lãm thư pháp Việt - Nghiên bút còn thơm

NGHIÊN BÚT CÒN THƠM - Thông cáo báo chí.

I. Thông tin về triển lãm:

- Triển lãm thư pháp quốc ngữ lần này có tên chính thức là “Nghiên bút còn thơm” với sự tham gia của 15 tác giả. Triển lãm khai mạc vào 16h00 ngày 31/08/2024 tại Khu Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Triển lãm kéo dài đến hết 25/09/2024.
- Triển lãm ngoài lựa chọn trưng bày 70 tác phẩm chính thức (con số 70 hướng tới kỉ niệm 70 năm giải phóng thủ đô) với những nội dung, ý nghĩa, ý tưởng nghệ thuật cụ thể, còn có 41 “tác phẩm” nhỏ được giám tuyển chọn lựa riêng, ngẫu nhiên với tinh thần chắt lọc tinh hoa bút mực một cách ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác chuẩn bị cho triển lãm của các tác giả. Số lượng các tác phẩm nhỏ dùng để sắp đặt, trang trí, trưng bày kết hợp theo từng module theo từng vị trí tổng là 693 bức.
- Nội dung các tác phẩm thư pháp, bao gồm các tác phẩm chính và các tác phẩm sắp đặt đều được lấy cảm hứng để viết và sáng tác từ những nội dung thơ văn Quốc âm (chữ Nôm)/Quốc ngữ của các danh nhân nổi tiếng trong lịch sử và văn học nước nhà như Lê Thánh Tông, Nguyễn bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và nhiều những danh nhân khác gắn bó hoặc có những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội, về Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Với những bài thơ, áng văn chữ Hán nổi tiếng, thì các tác giả dùng bản dịch tốt, có tính phổ biến được nhiều người biết đến để viết và sáng tác tác phẩm. Bên cạnh đó, các tác giả viết và sáng tác còn sử dụng những nội dung văn chương, thi ca, ca từ, bài thời nay viết về Thăng Long, về Hà Nội.
- Toàn bộ các tác phẩm chính và các tác phẩm nhỏ sắp đặt theo từng module trưng bày đều được soi sáng từ bên trong mang lại hiệu ứng xem-cảm mới cho công chúng thưởng thức nghệ thuật. Từng con chữ, từng nét bút, từng vết mực đều được làm nổi bật và soi rõ bằng ánh sáng. Người xem có thể cảm nhận, tương tác hai chiều một cách rõ ràng hơn, trực quan nhất vẻ đẹp của bút mực trên từng trang giấy. Tất cả tạo nên một không gian tràn ngập chữ và ánh sáng.
- Toàn bộ các tác phẩm nhỏ trên mặt đất cùng với module chạy vòng xung quanh không gian trưng bày trên các ô cao mang hàm ý kết nối tác phẩm, kết nối tác giả, kết nối 3 miền, kết nối cộng đồng của mình, kết nối với công chúng trong một không gian thư pháp tràn ngập chữ. Thư pháp Quốc ngữ cần “nối vòng tay lớn” để ngày càng phát triển hơn.
- 4 tháng – hơn ¼ thời gian của 1 năm, tính cho đến ngày khai mạc, là thời gian sáng tác, làm việc cũng các công tác chuẩn bị của các tác giả cùng với giám tuyển để chuẩn bị cho cuộc triển lãm lần này
- Bốn cột hình trụ lục giác lấp đầy bởi các ô chữ biểu trưng cho tính trụ cột, module sắp đặt này muốn đề cập đến điều mà thư pháp quốc ngữ đang muốn hướng tới và truyền tải thông qua triển lãm lãm lần này chính là hướng tới 4 tiêu chí mang tính bản chất là Thư pháp - Nghệ thuật - Chuyên nghiệp - Đẳng cấp (điều mà thư pháp quốc ngữ trong dòng chảy của Nghệ thuật Thư pháp ở Việt Nam còn yếu và đang thiếu và cần khẳng định nếu tạo dựng được từ sau triển lãm này.
- Các dải băng giấy với tổng chiều dài 200m được sắp đặt trưng bày dạng lượn sóng vừa tạo hiệu ứng hoành tráng cho không gian trưng bày, vừa có tác dụng làm mềm cho không gian chữ, đồng thời mang hàm ý nghệ thuật phải được buông, được thả, được tự do sáng tác như con sóng tùy thích uốn lượn, từng đợt sóng sau tiếp đợt sóng trước, từng thế hệ sau nối tiếp thế hệ đi trước trên con đường tìm đến, thúc đẩy, phát triển nghệ thuật thư pháp chữ Việt.
- Tác phẩm điêu khắc sơn thếp nghiên mực hình lá sen, bút lông cỡ lớn, cùng với con triện lớn có điêu khắc hình búp sen trên đầu và mặt triện được khắc 4 chữ triện Thăng Long Văn Miếu (Văn Miếu ở Thăng Long) vừa là chủ đề của triển lãm, vừa là hàm ý hướng tới Thăng Long - Hà Nội lại cũng vừa là sự khẳng định vị trí của Văn Miếu với bút-nghiên nơi khơi nguồn đạo học.
- Triển lãm này có thể nói là triển lãm đầu tiên được Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc tử giám tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp, chính thức, chính danh đúng như một triển lãm nghệ thuật, mỹ thuật đúng nghĩa và mang tầm đương đại dành cho thư pháp Quốc ngữ - điều mà lâu nay ít hoặc chưa triển lãm Thư pháp Quốc ngữ nào làm được. Tính chuyên nghiệp và hiện đại không chỉ ở ý tưởng, sự sắp đặt, việc trưng bày, ở câu chuyện muốn nói, ở điều mà triển lãm muốn hướng tới mà còn ở việc toàn bộ hoạt động được ghi lại bằng những thước phim chuyên nghiệp trong suốt quá trình chuẩn bị cho đến ngày khai mạc. Và điều đặc biệt còn đọng lại trước khi triển lãm kết thúc chính là vựng tập thư pháp “ Nghiên bút còn thơm” lưu lại dấu ấn, lưu lại tác phẩm, từng tác giả tham gia triển lãm.
- Trong chương trình buổi khai mạc triển lãm sẽ diễn ra màn trình diễn thư pháp hết sức thú vị từ 5 tác giả tham gia triển lãm. Màn trình diễn sẽ là sự phối kết hợp giữa nghệ thuật hành vi trình diễn kết hợp với âm nhạc được sáng tác riêng và cho buổi khai mạc.
- Trong thời gian diễn ra triển lãm, ngày 14/09/2024, BTC phối hợp cùng giám tuyển và các tác giả tổ chức tọa đàm với chủ đề: Thư pháp Quốc ngữ trong bối cảnh hiện nay - Thực trạng và hướng đi. Dự đây sẽ là một chủ đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm của những người đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp Quốc ngữ mà còn nhận được nhiều sự quan tâm của những người đang nghiên cứu, học tập, theo đuổi đam mê với phân môn nghệ thuật mới mẻ này.
- Tham gia triển lãm gồm 15 tác giả từ cả ba miền Bắc (8 người), Trung (3 người), Nam (4 người, trong đó có 1 tác giả là nữ). Có người thì hoạt động, hành nghề thư pháp chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, nghiệp dư, có người là họa sĩ. Mỗi người làm một ngành nghề khác nhau, nhưng đều có tình yêu chung với thư pháp chữ Việt và mong muốn được đem tình yêu nghệ thuật ấy của mình chia sẻ và lan tỏa tới nhiều người yêu con chữ Việt.
- Giám tuyển triển lãm là Thư pháp gia, triện khắc gia Xuân Như - Vũ Thanh Tùng, hiện đang giảng dạy thư pháp Hán-Nôm tại Nhân Mỹ Học Đường, từng là giám tuyển nhiều kỳ cuộc triển lãm thư pháp tại Văn Miếu cũng như sự kiện Hội Chữ Xuân hàng năm, là người lên ý tưởng, lập đề án, lên kế hoạch, đạo diễn, thiết kế, dàn dựng, sắp đặt, trưng bày cho toàn bộ triển lãm lần này.

II. Mục đích & Ý nghĩa của triển lãm:

1. Triển lãm nghệ thuật chào mừng kỉ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô và hướng tới ngày Di sản Việt Nam.
2. Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” lần này nhằm giới thiệu và trình hiện nghệ thuật thư pháp Quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt cùng sự phối kết hợp với ánh sáng tạo nên hiệu ứng và cách nhìn mới về Thư pháp quốc ngữ với công chúng yêu nghệ thuật nói chung và thư pháp nói riêng.
3. Triển lãm được tổ chức với mong muốn tạo ra tiền đề, tạo ra một nền tảng giao lưu và hợp tác giữa các tác giả thư pháp Quốc ngữ hiện đại từ khắp mọi miền đất nước, đặc biệt hướng tới những cây bút trẻ.
4. Triển lãm định hướng sáng tác mới, tư duy nghệ thuật theo hướng mới, tân cổ điển - bán hiện đại, kết hợp giữa kiểu truyền thống và phong cách sáng tác hiện đại, cùng với cách thức tổ chức, trưng bày hiện đại, được định hình để làm tiền đề và chuẩn mực hơn từ nay về sau cho các triển lãm kế tiếp về thư pháp Quốc ngữ.
5. Triển lãm trưng bày những tác phẩm Thư pháp vừa mang cảm giác truyền thống, đánh thức mỹ cảm hiện đại nhằm tăng cường nhận thức và hướng công chúng tới sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn về vai trò, giá trị của thư pháp Quốc ngữ trong bối cảnh hiện đại với cộng đồng viết thư pháp quốc ngữ nói riêng và những người yêu thích nghệ thuật thư pháp nói chung.
6. Tiếp tục tạo thêm những triển lãm nghệ thuật chất lượng ngày càng cao hơn trong một chuỗi những hoạt động văn hóa nghệ thuật của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, góp phần để Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm đến quan trọng, ý nghĩa, giá trị hàng đầu cho các hoạt động triển lãm thư pháp.
Ban tổ chức
31/08/24 - Khai mạc 16h00
Khu Thái Học - Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám

Hình ảnh Thanh Phong Thư Môn tham quan triển lãm thư pháp Việt- Nghiên bút còn thơm

Triển lãm thư pháp Việt - Nghiên bút còn thơm

Triển lãm thư pháp Việt - Nghiên bút còn thơm

Triển lãm thư pháp Việt - Nghiên bút còn thơm


Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Post a Comment

Previous Post Next Post