Trong bối cảnh đất nước đấu tranh giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ chính trị mà còn là người thầy tâm huyết, luôn quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức và tư tưởng cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Bức thư Người gửi ông Nguyễn Sơn với nội dung "Đảm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hành dục phương" là minh chứng cho tầm nhìn sâu rộng và tấm lòng nhân văn của Người. Qua đó, Hồ Chủ tịch đã đúc kết những nguyên tắc sống cốt lõi, vừa là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng, vừa là bài học đạo đức vượt thời gian.
Hoàn cảnh ra đời của bức thư gửi Nguyễn Sơn
Gs Hoàng Chí Bảo đã từng đề cập về nguồn gốc của bức thư này tại một buổi hội thảo nói chuyện về Bác Hồ, trong buổi nói chuyện, giáo sư đã đề cập tới việc đồng chí Nguyễn Sơn được phong hàm tướng nhưng không cảm thấy thỏa mãn vì chỉ được phong hàm thiếu tướng.
Khi biết được chuyện đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thiếp thư này cho “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn
- Nội dung của bức thư như sau
“Nguyễn Sơn đệ:
Đảm dục đại,
Tâm dục tế,
Trí dục viên,
Hành dục phương.”
Giải thích ý nghĩa của từng câu trong bức thư
- "Đảm dục đại" (Đã nhận lãnh việc gì thì nên nhận những việc lớn lao):
Tinh thần dũng cảm là yếu tố sống còn trong hành trình cách mạng đầy gian khó. Là một người chiến sĩ cách mạng, sống trong sự tôi luyện của môi trường gian khổ thì người quân nhân không những phải chịu khó, chịu khổ mà còn phải có được mục tiêu hành động to lớn.
Đã làm thì phải làm lớn, đã nghĩ thì phải nghĩ cho thật sâu xa. Bản thân Người là tấm gương sáng khi vượt qua muôn trùng hiểm nguy tìm đường cứu nước, từ những năm tháng lao động ở Pháp đến chốn lao tù Quốc dân Đảng Trung Hoa. Sự kiên định của Người trong suốt năm tháng hoạt động cách mạng, đấu tranh để giải phóng hoàn toàn cho dân tộc đã khẳng định tinh thần "đảm đại” ấy.
- "Tâm dục tế" (Trong lòng phải ngay thẳng):
Trái tim người cách mạng phải biết rung cảm trước nỗi đau đồng bào, nhưng sự rung cảm muốn biến thành hành động chuẩn xác thì cũng cần phải có sự ngay thẳng không xô bồ hỗn loạn.
Hồ Chủ tịch luôn nhắc nhở cán bộ: "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh".
Câu này có thể ám chỉ đến việc khi đón nhận trọng trách gì thì cũng đều phải giữ được cái tấm lòng trong sáng, mà tấm lòng của một người cách mạng là tấm lòng của quần chúng nhân dân, nghĩ cho đồng bào và dân tộc hơn bản thân cá nhân mình.
Vì vậy, việc ông Nguyễn Sơn “tỏ ý” chê bai quân hàm được phong tặng đang thể hiện rằng mình chỉ đang tính toán những thứ nhỏ nhặt và không có lợi cho đại cục.
- "Trí dục viên" (Trí tuệ phải toàn diện):
Người cách mạng cần có trí tuệ sắc bén và tầm nhìn chiến lược. Hồ Chí Minh là bậc thầy trong việc kết hợp lý luận và thực tiễn. Tác phẩm "Đường Kách Mệnh" (1927) của Người không chỉ là cẩm nang lý luận mà còn thể hiện sự am hiểu sâu sắc về phong trào cách mạng thế giới. Trong kháng chiến chống Pháp, Người đã dùng trí tuệ "viên" để vạch ra chiến lược "vừa kháng chiến vừa kiến quốc", kết hợp đấu tranh quân sự với xây dựng kinh tế – xã hội.
Trí tuệ là sự hiểu biết sâu sắc của con người, khi nó viên mãn tức là người đó đã hiểu được tròn trịa những khía cạnh để tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, không một ai dám khẳng định rằng mình biết hết tất thảy mọi thứ, vậy nên khi chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra câu “Trí dục viên” là cũng ám chỉ đến việc người ta phải học hỏi không ngừng, phải hạ mình khiêm tốn hơn nữa, nhưng cũng phải cố gắng nỗ lực để hoàn thiện bản thân mình.
- "Hành dục phương" (Hành động phải đường hoàng, gãy gọn):
Hồ Chí Minh luôn đề cao tính kỷ luật và khoa học. Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Người chú trọng xây dựng tổ chức chặt chẽ, có quy củ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, tư tưởng "đánh chắc, tiến chắc", đã đánh thì phải thắng, không thắng thì không đánh của Người đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp giúp quân dân ta giành thắng lợi vang dội, tạo nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Người từng dạy: "Lý luận phải đi đôi với thực hành", nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp làm việc khoa học.
Hành dục phương từ đó mà trở thành câu nói kinh điển khi làm việc của những người quân nhân sau này, bởi để làm việc một cách khoa học, rõ ràng tác phong, đầy đủ hình thức nội dung thì người đó phải giỏi, thực sự rất giỏi thì mới có thể tạo ra được những tao tác điêu luyện.
Giá trị tư tưởng đạo đức của bức thư này
Bốn nội dung được đề cập trong thư là sự hội tụ tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, rằng: Đạo đức cách mạng không phải là lý thuyết suông mà phải thể hiện qua hành động cụ thể, người làm cách mạng không những phải nghĩ lớn cho dân tộc, vì dân tộc mà dốc lòng phục vụ, hết lòng học hỏi và hết lòng cống hiến. Trước đó, chúng ta cũng từng biết tới câu Người khẳng định: "Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì vô dụng". Tư tưởng này phản ánh sự hài hòa giữa “tâm” (đạo đức), “trí” (trí tuệ), “đảm” (bản lĩnh), và “hành” (hành động) – một hệ giá trị toàn diện để rèn luyện con người mới xã hội chủ nghĩa.
Trong thư pháp, tác phẩm này được thể hiện thế nào?
Đây là bức thư pháp được đặt hàng từ một người rất thích nội dung trong bức thư mà Bác Hồ gửi cho tướng Nguyễn Sơn
Thực tế như các bạn nhìn thấy trong tác phẩm thư pháp này mình có thay đổi vị trí của câu số 2 lên thành câu số 1. Đó là do yêu cầu của một người khách và mong muốn rằng nó thuộc về tư tưởng riêng khi nhận thấy chữ “Tâm” là quan trọng hơn nên phải đặt lên trước.
Tuy vậy, tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng tác giả vẫn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Trong giáo dục, phong trào *"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"* đã truyền cảm hứng cho hàng triệu thanh niên.
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là thông điệp gửi riêng ông Nguyễn Sơn mà còn là di sản tinh thần cho muôn thế hệ. Bốn câu nói "Đảm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hành dục phương" mãi là ngọn đuốc soi đường, nhắc nhở mỗi người Việt Nam sống có lý tưởng, có trách nhiệm. Trong thời đại mới, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là bắt chước máy móc mà là thấm nhuần tinh thần "dĩ bất biến ứng vạn biến", vận dụng sáng tạo những bài học đạo đức – trí tuệ – hành động của Người để xây dựng đất nước phồn vinh.